KĐT Thanh Hà và KĐT Mỹ Hưng được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Tổng Công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư để hoàn vốn cho Dự Án Đường Trục Phía Nam theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT). Tuy nhiên, khi dự án Khu đô thị (KĐT) Thanh Hà được chuyển giao cho Tập đoàn Mường Thanh mới đây thì nhiều người mới “té ngửa” đường trục phía nam vẫn là tuyến đường ngổn ngang, đầy bất trắc cho người qua lại. Vậy Cienco 5 đã làm gì với dự án đổi đất lấy hạ tầng này?
Dự án tầm cỡ như vậy mà chậm triển khai trong 8 năm, rất nhiều khách hàng đã chôn vốn tại dự án hơn 8 năm. Đến nay tập đoàn Mường Thanh đã tiếp quản giải cứu dự án tái khởi động xây dựng từ tháng 4/2016.

Văn phòng giao dịch bất động sản mường thanh tại dự án thanh hà cạnh ban quản lý
Dự án trục đường phía nam tỉnh Hà Tây (cũ) do Cienco 5 làm chủ đầu tư được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) có tổng chiều dài 41,5km; mặt cắt đường 40m, 4 làn xe. Theo dự kiến, 10,5km đầu tiên của con đường, bắt đầu từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) phải hoàn thiện trước ngày 31.12.2010. Thế nhưng đến thời điểm này, sau gần chục năm triển khai, mới chỉ có đoạn đường khoảng 6km từ ngã ba Kiến Hưng đến cổng làng Thanh Thùy (Thanh Oai) được trải nhựa tạm bợ. Đoạn đường này nơi thấp, nơi cao, chỗ đã trải nhựa, chỗ vẫn trơ đá nền; dải phân cách đoạn to, đoạn nhỏ bất đồng, vỉa ba toa chỗ có chỗ không, chỗ lại nghiêng đổ hay gạch đá xếp la liệt bên mép đường. Đặc biệt nguy hiểm là suốt chiều dài 6km đường không hề có một ánh đèn chiếu sáng nào, khi tắt ánh mặt trời thì con đường chìm trong bóng tối.
Đi dọc đoạn đường qua các phường, xã: Kiến Hưng, Phúc La (Hà Đông), Cự Khê, Tam Hưng, Thanh Thùy (Thanh Oai) chỉ thấy một cảnh hoang vu, lộn xộn, 2 bên mép đường từng đống đụn bùn đất, bê tông, ống cống nối nhau nằm la liệt. Các phương tiện qua lại đây lúc phải trồi lên, hụp xuống, lúc phải lạng ra, lách vào do mặt đường cao thấp, to nhỏ không theo một trật tự nào; nhiều rãnh nước, khe nứt xuất hiện bất thường như “rình chờ” người qua lại xảy chân. Cả đoạn đường đã trở thành một cái bẫy khổng lồ khiến người dân cũng như các cơ quan chức năng đau đầu, lo sợ.
Trước thực trạng bết bát trên, huyện Thanh Oai và cả TP. Hà Nội đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư công trình đường phía nam là Cienco 5 đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thiện lắp đặt đèn chiếu sáng, sơn kẻ vạch, dải phân cách để tổ chức giao thông. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, Cienco 5 vẫn để mặc con đường trong bóng tối, bụi bặm và nỗi hoang mang của người dân.

Đường trục phía nam đoạn qua khu đô thị thanh hà
Trái với nghĩa vụ làm đường ỳ ạch, bết bát thì chủ đầu tư Cienco 5 lại tỏ ra rất nhanh nhạy khi khai thác dự án KĐT Thanh Hà. Vào năm 2007, Cienco 5 đã lập ra Cty Cienco 5 Land là doanh nghiệp dự án để xúc tiến đẩy nhanh tiến độ phân lô, bán nền nhằm hưởng lợi. Trải qua thời gian các năm 2008 – 2010 nóng sốt, đất nền thuộc KĐT Thanh Hà có hàng trăm giao dịch mua đi bán lại mỗi ngày của nhà đầu tư, môi giới. Giá chuyển nhượng được thổi lên chóng mặt. Thời điểm năm 2009, chỉ riêng tiền chênh của việc “chuyển nhượng hợp đồng góp vốn” hay “bán lại suất ngoại giao” đất nền của KĐT Thanh Hà cũng rơi vào khoảng vài tỉ đồng/căn. Vào thời điểm trên, để mua 1 lô đất liền kề diện tích 100m2, nhà đầu tư phải nộp ít nhất 1 tỉ đồng tiền “chênh”, còn một lô đất biệt thự có diện tích 330m2, nhà đầu tư phải nộp tiền “chênh” 3,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2010, sau vụ lừa đảo bán khống đất nền với đơn vị liên kết là Cty 1/5 khiến nhiều người vướng vòng lao lý thì KĐT Thanh Hà trở lại với hình hài là bãi đất hoang, nơi chôn tiền hàng trăm tỉ đồng của nhà đầu tư.
Và tới hiện tại, Cienco 5 cũng mất quyền kiểm soát với Cty dự án là Cienco 5 Land, qua đó có khả năng cũng mất luôn quyền kiểm soát dự án KĐT Thanh Hà. Bản thân ông Thân Đức Nam – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ tịch Cienco 5 trao đổi với báo giới cũng thừa nhận, tình hình tài chính của Cienco 5 Land là “quá bết bát” để có thể tiếp tục thực hiện dự án. “Hiện nay, có thể nói Cienco 5 Land hầu như không còn khả năng triển khai bất cứ hoạt động nào nên việc bán lại cổ phần cho Mường Thanh là lối thoát duy nhất”, ông Thân Đức Nam nói. Cũng theo ông Thân Đức Nam, “tổng số tiền mà ông Thản phải chi để mua lại 95% cổ phiếu tại Cineco 5 Land (trong đó ông Thân Đức Nam cũng giữ một tỉ lệ vài chục phần trăm cổ phần sau khi rời chức vụ Chủ tịch Cienco 5) là khoảng 600 tỉ đồng; 5% cổ phần còn lại của công ty vẫn thuộc về Cienco 5” (ông Thân Đức Nam trao đổi với báo Dân Trí – P.V). Tuy nhiên, điều đáng nói là con số mua lại 95% cổ phần Cienco 5 Land, theo đại gia Lê Thanh Thản cung cấp trên phương tiện thông tin đại chúng lại lên tới 1.500 tỉ đồng!
Vậy năng lực cũng như trách nhiệm của lãnh đạo Cienco 5 với dự án đổi đất Thanh Hà lấy hạ tầng (dự án trục đường phía nam tỉnh Hà Tây (cũ) này như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vào các số báo tiếp theo.